Theo tính toán của ông Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam, chỉ riêng tại Hà Nội, người đi ô tô sẽ phải đóng phí trước bạ 20%, lệ phí cấp biển ô tô 20 triệu đồng. Tức là một gia đình trung lưu nếu dồn góp mua được chiếc xe 400 triệu đồng đã phải trả ngay 100 triệu đồng phí. Nếu phí lưu hành được thông qua, ngoài các khoản phí cố định trên, hằng năm sẽ phải đóng thêm 20 triệu đồng để được “lăn bánh”.
Trước phí bảo trì đường bộ, người sử dụng ô tô, xe máy đã phải gánh đến 7 loại phí: phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu, phí đăng kiểm… chỉ một chiếc ô tô, xe máy nhưng chủ phương tiện đang phải gánh quá nhiều loại phí. Nhiều người ví von các loại phí trên đang “đè ngã” chủ sử dụng phương tiện.
Thủ tướng vừa ban hành Nghị định về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ. Nguồn hình thành quỹ từ phí sử dụng đường bộ thu được hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới, bao gồm: ôtô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo và môtô hai bánh, môtô ba bánh. Quỹ cũng được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm.
Theo nghị định trên, phí sử dụng đường bộ thu được đối với ôtô được phân chia cho quỹ trung ương 65% và cho các địa phương là 35%. Mặc dù, Chính phủ chưa quy định loại phí là bao nhiêu nhưng theo dự thảo tờ trình Quỹ Bảo trì đường bộ do Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất mức thu phí ôtô được chia theo bảy nhóm.
Mức thấp nhất đối với ôtô dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn là 180.000 đồng/tháng; mức cao nhất đối với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet là 1,44 triệu đồng/tháng. Đối với môtô, xe gắn máy mức thu 80.000-120.000 đồng/năm (tùy theo dung tích xilanh).
Mới đây nhất, đầu tháng 1 vừa qua, cho rằng sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm tại các thành phố trên. Lý giải cho đề xuất trên, đơn vị đầu ngành giao thông cho rằng, làm vậy là để lấy quỹ để đầu tư lại xây dựng đường bộ.
Cụ thể, theo phương án thu phí lưu hành được Bộ Giao thông trình Chính phủ, tới đây, chủ sở hữu xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi chở xuống (kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng), có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống mức phí 20 triệu đồng/năm. Dung tích trên 2.000 - 3.000 cm3 mức phí 30 triệu đồng/năm, dung tích trên 3.000 cm3 mức phí 50 triệu đồng/năm.
Với xe máy Bộ Giao thông cũng đề xuất thu loại xe có dung tích dưới 175 cm3 mức phí 500.000 đồng/năm, loại dung tích từ 175 cm3 trở lên mức phí 1 triệu đồng/năm.
Từ 1/6, chủ sở hữu ô tô, xe máy sẽ phải nộp Quỹ Bảo trì đường bộ. Ảnh: Ngọc Lân
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất mức thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm (miễn thu phí với các loại xe công và xe buýt), dự kiến 30.000 đồng/lượt với ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt với các loại ô tô còn lại.
Chỉ có điều trước 2 loại phí này, người sở hữu phương tiện ô tô, xe máy đã phải nộp tới 7 loại phí, gồm: phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu 1.000 đồng/lít (được cho là sẽ hoàn lại sau khi thu thuế môi trường từ 1/1/2012 nhưng hiện tại vẫn chưa rõ phương án hoàn), phí bình ổn giá xăng dầu 500 đồng/lít, đăng kiểm, bảo hiểm…
Như vậy, với phí Quỹ Bảo trì đường bộ vừa được Chính phủ phê duyệt và thu phí lưu hành phương tiện vừa được Bộ Giao thông vận tải đề xuất, chủ phương tiện sẽ phải gánh tới 9 loại phí. Việc một chiếc ô tô, xe máy phải gánh quá nhiều loại phí khiến cho nhiều người so sánh việc này đang gây “quỵ ngã” cho người sử dụng phương tiện.
Có lẽ chính vì thế cho nên ngay sau khi VnMedia đăng thông tin về việc từ 1/6 người đi ô tô, xe máy sẽ phải nộp Quỹ Bảo trì đường bộ, nhiều bạn đọc đã gửi mail về toà soạn nói lên nỗi lo lắng của mình vì phải đóng quá nhiều loại phí để sử dụng một phương tiện ô tô hay xe máy.
Trong thư gửi về toà soạn, một bạn đọc lấy tên Muốn thu phí ở Hà Nội cho rằng, nếu có thu phí nên thu qua xăng dầu, vì thu như vậy sẽ công bằng giữa xe đi nhiều, xe đi ít, vừa giảm buôn lậu xăng dầu qua biên giới khi giá trong nước thấp hơn nước láng giềng, vừa không phát sinh bộ máy thu phí.
Lo lắng hơn, bạn Nguyễn Quang Huy, Hà Nội thì viết rằng, Nhà nước thấy cần thiết phải thu phí thì nhân dân sẽ đóng góp để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, trong một tháng có rất nhiều khoản phải chi, vậy nên cần phải thu theo tần suất sử dụng đường bộ của phương tiện. Hoặc quá lắm thì đa dạng hóa hình thức như bán vé theo ngày, theo tuần, theo tháng, theo năm. Bây giờ mà cứ nộp một cục tiền cho cả năm vào một tháng thì người sử dụng phương tiện lấy đâu ra, lương thì chỉ có hạn.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thì cho rằng, nếu Chính phủ thu thêm hai loại phí: Quỹ Bảo trì đường bộ và phí lưu hành phương tiện thì trên thực tế chủ sử dụng ô tô, xe máy sẽ gánh khoảng 9 loại phí.
Như vậy, theo tính toán của ông Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam, để được sử dụng một chiếc ô tô, chủ sử dụng phương tiện ở Hà Nội sẽ phải đóng 120 triệu tiền phí một năm. Nếu phải đóng tới 120 triệu một năm để sử dụng phương tiện thì đây sẽ là những loại phí làm “gục ngã” chủ sở hữu phương tiện ở Thủ đô?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét