Chưa hết, số tiền trên mới tính ở mức đầu tư ban đầu cho chiếc xe. Mua xe đã khó, “nuôi” chiếc xe hằng tháng ở Việt Nam cũng là cả vấn đề lớn. Với giá xăng liên tục tăng như hiện nay, nếu một xe trung bình tháng đi 2.000 km sẽ mất khoảng 4,5 triệu đồng tiền xăng. Tiền gửi xe nơi làm việc khoảng 1 triệu đồng/tháng. Tiền trông giữ (nếu nhà không có garage), gửi xe cà phê, đi giao dịch khoảng 2 triệu đồng. Trong trường hợp thêm phí lưu hành trung bình 2,5 triệu nữa thì tổng chi lên gần 10 triệu đồng. Theo lời khuyên của các chuyên gia ôtô thì thu nhập phải gấp 5 lần chi phí trên mới đảm bảo an toàn tài chính. Có nghĩa khách hàng Việt Nam thu nhập 50 triệu mỗi tháng mới thoải mái sử dụng xe hơi.
Không ở đâu trên thế giới này, người tiêu dùng lại phải đóng nhiều loại thuế và phí đến thế khi mua và sử dụng một chiếc ôtô như ở Việt Nam. Điều này khiến giá xe ở một nước đang phát triển như nước ta cao gấp 2,5 lần so với một nước phát triển và có thu nhập bình quân đầu người cao như Mỹ.
Giá xe cao “ngất ngưởng” do thuế chồng thuế
Hiện tại, xe ôtô du lịch mới nhập khẩu về Việt Nam phải chịu 3 loại thuế là thuế nhập khẩu (TNK) bằng 82%, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bằng 30% đối với loại xe trên 5 chỗ ngồi và 45% đối với xe dưới 5 chỗ ngồi, cuối cùng là thuế Giá trị gia tăng (GTGT) bằng 10%.
Số thuế mà người mua phải chịu khi mua xe nhập khẩu chiếm đến 67% giá bán ra
Thử làm một phép tính với mức giá nhập xe của một chiếc Hyundai SantaFe (xe nhập Mỹ) là A= 23.000USD/chiếc thì TNK sẽ là: A×82% = 23.000 × 82% = 18.860 (USD), thuế TTĐB= (A+ TNK)×50% = (23.000 + 18.860) × 50% = 20.930USD, thuế VAT là: (A+ TNK+ TTĐB) ×10% = (23.000+ 18.860+ 20.930) × 10%= 6280USD. Vậy tổng các loại thuế phải nộp cho Hải quan là: TNK + TTĐB + VAT = 46.070USSD. Số thuế này cộng với tiền giá gốc, nâng tổng giá trị chiếc xe lên tới 69.000USD. Như vậy là một chiếc SantaFe nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam có mức giá cao hơn khoảng 3 lần. Số thuế mà người mua phải chịu chiếm đến 67% giá bán ra.
Đủ các loại phí
Từ ngày 1/6 tới, nếu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực, người mua xe sẽ phải chịu tổng cộng 7 loại phí bao gồm: phí trước bạ, phí biển số, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn, phí bảo trì đường bộ. Ngoài ra, còn 2 loại nữa là phí lưu hành và phí vào nội đô giờ cao điểm nếu đề xuất của Bộ Giao thông được thông qua.
Người sử dụng xe hơi phải chịu đủ các loại phí
Tiếp tục lấy ví dụ là chiếc SantaFe nhập khẩu từ Mỹ về. Và lấy ví dụ người mua xe có hộ khẩu tại một quận nội thành của Hà Nội, người này sẽ phải đóng thêm 20% phí trước bạ, tương ứng 13.800 USD. Thêm 20 triệu đồng cho tiền biển số. Cộng thêm 180.000 mỗi tháng phí duy trì đường bộ. Đăng kiểm lần đầu, chủ nhân đóng 5,4 triệu đồng cho chu kỳ 30 tháng. Nếu đề xuất phí lưu hành được thông qua chủ nhân chiếc SantaFe nhập khẩu trả thêm 75 triệu đồng nữa, cho 2,5 năm khi đăng kiểm (mức 30 triệu đồng mỗi năm cho xe có dung tích động cơ từ 2-3 lít).
Cộng tất cả các khoản thuế và phí lại, nếu muốn sở hữu một chiếc Hyundai SantaFe nhập khẩu, người tiêu dùng phải bỏ ra khoảng 83.000USD (tương đương với hơn 1,7 tỷ đồng), trong khi chiếc xe này có giá tại Mỹ chỉ là 23.000USD và người dân Mỹ cũng chỉ phải chi tổng cộng 35.000USD để chạy chiếc xe này trên đường.
Xa dần “ước mơ ôtô”
Điều đáng nói là mức chênh lệch giá xe, các khoản phí của chúng ta lại cao hơn tới 2,5 lần một nước phát triển như nước Mỹ. Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, năm 2011, Việt Nam có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 1.300USD/người/năm. Ở Mỹ chỉ số này là 47.084 USD, cao hơn 36 lần Việt Nam. Chuyện một người dân ở một nước đang phát triển như ở Việt Nam lại phải mua xe ôtô với số tiền cao gấp 2,5 lần so với một người dân ở nước phát triển như Mỹ khiến ước mơ xe hơi của nhiều người dân Việt đang ngày càng trở nên xa vời.
Như vậy, liệu ở Việt Nam có bao nhiêu phần trăm số người có thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng để mua được và “nuôi” được một chiếc ôtô?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét