TS. Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, cho đến nay, giá xăng dầu ở Việt Nam chưa theo cơ chế cạnh tranh thị trường đầy đủ. Thậm chí, cho phép các DN được độc quyền định giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới dễ biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền DN, trong khi cần phải cho cạnh tranh thị trường đầy đủ và lành mạnh trước khi tự do hóa giá cả. Bên cạnh đó, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, cần công khai và kiểm toán sự chính xác của các con số DN tự kê, tự giải trình, liên quan đến chi phí thực tế đầu vào để có căn cứ hợp lý xác định mức điều chỉnh giá xăng dầu bán ra.
Quyết định tăng giá xăng bán lẻ thêm 2.100 đồng/lít từ 16h ngày 7-3 khiến nhiều đại lý xăng dầu "trúng" lớn vì đã quyết tâm… "găm" hàng (!).
Nếu "găm" trữ được 1 triệu lít xăng, người ta đã bỏ túi gọn gàng món chênh lệch hơn 2 tỉ đồng. Độc quyền đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội trục lợi béo bở như vậy….
Ai giám sát?
Như báo chí đã phản ánh, trong các ngày 5, 6 và 7-3, trên địa bàn cả nước nhiều cây xăng đua nhau viện ra nhiều lý do như đóng cửa để kiểm tra kỹ thuật, mất điện, hỏng máy bơm, hết xăng,… để rồi đến chiều 7-3 thì máy bơm xăng bỗng nhiên hết hỏng, điện lại sáng trưng, hàng lại đủ… Ai cũng biết người ta đã viện cớ để om hàng chờ tăng giá trong ngày một ngày hai. Biết nhưng chẳng làm gì được và thực tế những hành vi đầu cơ, tích trữ trái phép này đã đem lại những món lợi thật và lợi kếch xù bởi giá xăng đã tăng thật.
Đã có những chế tài xử lý vi phạm hành chính về tình trạng đầu cơ, găm giữ hàng, tuy nhiên vấn đề chính là thiếu một cơ chế giám sát thực sự hiệu quả. 1 ngày trước khi xăng tăng giá, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương kiểm tra ngay và xử lý nghiêm những đại lý xăng dầu có hành vi "găm" hàng trục lợi. Không biết Bộ Công thương triển khai chỉ đạo này ra sao, chỉ thấy hôm sau thì xăng tăng giá luôn, mà tăng mạnh tới hơn 10%. Lúc này thì người ta không cần phải “găm” hàng nữa. Được biết, ngay sau khi có quyết định tăng giá xăng dầu, Cục Quản lý Thị trường đã gửi công điện khẩn đến tất cả các Chi cục QLTT trên toàn quốc yêu cầu: "Thực hiện ngay việc kiểm tra kiểm soát thị trường xăng dầu sau khi tăng giá. Kịp thời phát hiện các hành vi lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng, dầu để thu lợi bất chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quyết định của pháp luật".
Cơ quan chức năng đang kiểm tra một cửa hàng xăng dầu
Theo lãnh đạo của Cục QLTT, việc ban hành công điện khẩn này nhằm ngăn chặn hiện tượng một số trạm xăng lợi dụng việc điều chỉnh giá lần này để tăng vượt mức quy định như những lần tăng giá trước. Động thái này thực ra là thừa, thậm chí có người còn cho rằng chỉ để khỏa lấp điều gì đó, bởi khi "thượng đế" đang nhăn nhó soi giá từng lít xăng thì chả ai dại đến mức mà niêm yết bán với giá cao hơn giá Nhà nước cho phép. Hơn nữa, với những đại lý đã "găm" hàng thành công thì mức tăng giá hơn 10% đã "bỗng dưng" đem lại khoản lợi nhuận kếch xù. Ở đây chỉ có băn khoăn là vì sao các đại lý xăng dầu và các cây xăng biết được sắp tăng giá mà kiên trì viện cớ này, cớ nọ ngừng bán hàng? Trả lời câu hỏi này rất khó mà cũng lại rất dễ….
Theo các luật sư, thực tế đã có những chế tài xử lý vi phạm hành chính về tình trạng đầu cơ, găm giữ hàng, tuy nhiên vấn đề chính là việc phải có một bộ phận thường xuyên đi kiểm tra tận các cửa hàng xăng, để từ đó mới có hình thức xử lý. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát theo kiểu khi có ý kiến, có sức ép dư luận mới hô hào rầm rộ… thì hiệu quả chắc chắn là bằng không. Vì thế, khi nào xăng sắp tăng giá, người ta sẽ nhìn thấy những biển "hết hàng", "mất điện" ở rất nhiều cây xăng. Khi việc "găm" hàng vẫn dễ dàng đem lại lợi nhuận thật thì điệp khúc này vẫn tiếp diễn, chỉ các cây xăng làm ăn nghiêm chỉnh là thiệt, người tiêu dùng thì bức xúc vì bị "móc túi"…
Hệ lụy của độc quyền
Việc tăng giá xăng dầu và giá điện thường gây nhiều ồn ào, bức xúc. Với điện thì dù đã có nhiều ngành tham gia sản xuất, nhưng đầu mối cung ứng điện thành phẩm đến các hộ tiêu dùng thì lại chỉ có một "ông" EVN. Vì thế, độc quyền vẫn hoàn độc quyền. Còn mặt hàng xăng dầu. Hiện nay cả nước có 11 đơn vị đầu mối tham gia nhập khẩu kinh doanh xăng dầu. Với con số này, ai cũng tưởng rằng Nhà nước đã xóa bỏ độc quyền trong ngành xăng dầu, thực ra không phải vậy. Hơn 60% lượng xăng dầu được phân phối ra thị trường từ tay "ông kẹ" - Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). 10 đơn vị còn lại chia sẻ nhau 40% thị phần còn lại và cái quyền tự quyết của các ông trong nhóm 40% thị phần kia thực tế cũng không là gì cả, bởi họ còn phải cạnh tranh với nhau và tất cả đều phải nhìn sắc mặt "ông lớn" Petrolimex mỗi khi muốn nâng hay hạ giá bán lẻ…
Trong khi đó, với những lĩnh vực xóa bỏ độc quyền thì thấy chuyển biến rõ rệt. Lĩnh vực viễn thông là một ví dụ điển hình, những năm qua, giá cả thị trường dù liên tục tăng, nhưng cước viễn thông lại ngày một giảm. 10 năm trước, người ta phải nhịn ăn tô phở để gọi được 2 phút điện thoại di động, nay thì khác hẳn với số tiền mua một tô phở, có thể "buôn" qua điện thoại.
Phải cạnh tranh bình đẳng
Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế sự độc quyền thì ngoài việc mở rộng cho cạnh tranh, Nhà nước vẫn phải nắm quyền kiểm soát. Đối với xăng dầu, TS Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Trong cơ cấu bán lẻ xăng dầu, giá vốn nhập khẩu chiếm 53-66%; các khoản thu của Nhà nước chiếm khoảng 30-42%; phần còn lại là phí kinh doanh và lợi nhuận của DN, khoảng 4-5%. Để ổn định nguồn thu ngân sách, Chính phủ có thể quy định mức thu ngân sách từ xăng dầu bằng số tuyệt đối, đồng thời công bố giá trần bán lẻ xăng dầu theo tháng. Việc này, theo TS. Vũ Đình Ánh, vừa loại bỏ cơ chế xin - cho, vừa buộc DN kinh doanh xăng dầu tìm kiếm lợi nhuận không dựa vào đề nghị tăng giá mà phải tìm cách giảm chi phí sản xuất. Giá trần xăng dầu sẽ được cơ quan nhà nước công bố công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, chính xác của số liệu công bố. Các khoản phải nộp ngân sách bao gồm thuế và phí là số tuyệt đối, thay vì số tương đối sẽ khắc phục những tồn tại như việc điều chỉnh tăng giảm thuế nhập khẩu không kịp thời, vụn vặt, tình thế làm giảm tác dụng của công cụ điều hành thị trường.
Một tờ báo dẫn ý kiến nguyên Phó GĐ Sở Thương mại Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng: Nhà nước cần cởi mở cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu nhằm tạo sân chơi lành mạnh, xóa bỏ độc quyền hoặc lạm dụng vị thế độc quyền thống lĩnh thị trường. Theo các chuyên gia kinh tế, điều kiện tiên quyết để tạo sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường xăng dầu là tổ chức lại các DN đầu mối xăng dầu để tạo ra các DN có năng lực và mặt bằng xuất phát điểm tương đương nhau, từ đó thế độc quyền sẽ dần bị xóa bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét